Nhiều người bệnh gút thường than phiền về các cơn đau do gút mang lại, đau đến nỗi chỉ cần chạm nhẹ thôi đã đau đến mức không thể chịu nổi. Không giống như các dạng viêm khớp diễn ra từ từ, bệnh gút thường tấn công rất bất ngờ và thường xảy ra vào ban đêm. Khi cơn đau diễn ra kèm theo sự khó chịu, sau đó kéo dài vài giờ, và vài ngày sau mới giảm dần. Không chỉ là cảm giác đau đớn, bệnh gút còn liên quan nhiều đến nguy cơ bệnh tật khác như béo phì, tăng lipit máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
Bệnh gút có liên quan đến béo phì
Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan nhiều giữa trọng lượng cơ thể và nồng độ acid uric trong máu. Tỷ lệ bệnh gút tăng rõ rệt ở những người có trọng lượng cơ thể tăng trên 10%. Béo làm tăng tổng hợp acid uric máu và làm giảm thải acid uric niệu, kết hợp của cả 2 nguyên nhân này dẫn tới tình trạng tăng acid uric máu và nguy cơ bệnh gút. Người ta cũng đã thống kê được rằng 50 % bệnh nhân gout có dư cân trên 20 % trọng lượng cơ thể.
Nguy cơ tăng lipit máu và nguy cơ bệnh gút
Các chuyên gia cũng đã thống kê được rằng, 80% người tăng lipit máu có sự phối hợp của tăng acid uric máu, và khoảng 50 % – 70 % bệnh nhân gout có kèm tăng lipit máu. Sự liên quan giữa gút và rối loạn lipit máu chính là một phần của hội chứng chuyển hóa bao gồm tăng BMI dẫn tới béo phì vùng bụng, tăng huyết áp, tiểu đường, tình trạng đề kháng insulin và nguy cơ bị bệnh mạch vành. Tăng acid uric máu kết hợp với béo phì vùng bụng là nhóm nguy cơ cao của bệnh tim mạch có liên quan đến sự đề kháng insulin.
Mối liên quan giữa bệnh gút và tăng huyết áp
Người ta phát hiện ra rằng, có khoảng 22-38% các trường hợp bị tăng huyết áp không được điều trị có nguy cơ bị tăng acid uric máu. Tỷ lệ bệnh gout trong dân số tăng huyết áp là 2 –12 % tuy nhiên không có sự liên quan giữa acid uric máu và trị số huyết áp. Có 25 – 50 % bệnh nhân gout có kèm tăng huyết áp, chủ yếu ở các bệnh nhân béo phì. Nguyên nhân gây nên mối liên hệ giữa bệnh gout và tăng huyết áp hiện nay vẫn chưa được làm rõ.
Xơ mỡ động mạch và bệnh gút
Xơ mỡ động mạch có liên quan nhiều đến tình trạng thừa cân béo phì hơn là sự tăng acid uric máu. Ở bệnh nhân bị gout, các yếu tố của bệnh mạch vành như tăng huyết áp, béo phì, đề sáng insulin, tăng TG máu góp phần làm tăng sự liên quan giữa acid uric máu và xơ mỡ động mạch. Các yếu tố nguy cơ này tự nó làm tăng nguy cơ của bệnh tim mạch, và như vậy, acid uric máu chỉ gián tiếp làm tăng nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch thông qua việc kết hợp với các bệnh lý có nguy cơ cao nói trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét