Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Bệnh Tiểu đường thai nghén

Tiểu đường thai nghén

Tiểu đường (đái tháo đường) thai nghén – một trong những căn bệnh về rối loạn chuyển hóa tấn công vào thời kỳ mang thai của phụ nữ đang được quan tâm hàng đầu. Việc kiểm soát tiểu đường ở phụ nữ có thai không phải là vấn đề đơn giản.

tieu-duong-thai-nghen
Tiểu đường thai nghén
Khi bạn mang thai, cơ thể bạn sản xuất nhiều hormone làm giảm hoạt động của insulin khiến cho việc cung cấp glucose tới các tế bào bị thiếu hụt. Kết quả, glucose được tích lũy nhiều trong máu, làm lượng đường trong máu tăng cao.
Các yếu tố tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ bao gồm: Nhóm thai phụ thừa cân, béo phì; Nhóm thai phụ có tiền sử bản thân (hoặc gia đình) mắc chứng tiểu đường hoặc có hàm lượng glucose quá cao trong nước tiểu…
 Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến việc mang thai
-Đối với người mẹ:
Người có bệnh tiểu đường khi mang thai dễ gặp tình trạng nhiễm độc thai nghén hơn các thai phụ khác (tiền sản giật và sản giật với các dấu hiệu cao huyết áp, protein niệu và phù trong thời kỳ mang thai). Thai phụ cũng dễ bị nhiễm trùng nặng; tỷ lệ sinh phải can thiệp ngoại khoa cao hơn (mổ sinh, chịu các thủ thuật do sinh khó). Sau khi sinh bệnh tiểu đường có thể tiến triển nặng hơn, có khoảng 5% đến 20% bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ (bệnh chỉ xuất hiện sau khi mang thai) sau khi sinh vẫn tiếp tục bị bệnh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ sẩy thai cao hơn, đặc biệt, nếu kiểm soát mức đường huyết không tốt.
-Đối với thai nhi:
Ở các bà mẹ bị tiểu đường, thai nhi có tỷ lệ tử vong cao hơn, thai có thể bị dị tật hoặc chậm phát triển. Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở những thai nhi có mẹ mắc bệnh tiểu đường. Thời gian bị ảnh hưởng (gây bất thường bẩm sinh) rất giới hạn, khi tuổi thai khoảng 3-6 tuần. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết chặt chẽ sớm trong thai kỳ, thậm chí ngay cả trước khi có thai, sẽ giúp ngăn ngừa những bất thường của thai nhi.
Biện pháp phòng ngừa
Tuy rất nguy hiểm nhưng các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được điều trị tốt. Những ai thuộc diện có những dấu hiệu xếp vào loại có nguy cơ cao, nên đi khám và đo đường huyết trước khi mang thai.
Còn nếu phát hiện tiểu đường khi mang thai, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn thích hợp hoặc tiêm insuline. Kiểm soát được đường huyết tốt, thai nhi sẽ phát triển như những đứa trẻ khác.
Thai phụ nên đi khám đúng định kỳ với các bác sĩ sản khoa, nội tiết ở những bệnh viện, chuyên khoa sản, các trung tâm, phòng khám chuyên về tiểu đường thai kỳ uy tín.
Để phòng tiểu đường trong quá trình thai nghén, người mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng không nên quan niệm ăn nhiều càng tốt sẽ dẫn đến tăng cân quá mức, khi đó, nguy cơ bị tiểu đường là rất cao.
Tiểu đường thai kỳ có thể bị duy trì sau giai đoạn thai nghén và trở thành tiểu đường type 2 sau này. Do đó, người bị tiểu đường thai kỳ nên có chế độ tiết chế ăn uống và vận động thể lực hợp lý khi mang thai và sau khi sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét