Bệnh đái tháo đường type 2 phát triển khi cơ thể trở nên kháng với insulin hoặc khi tuyến tụy sản xuất không đủ insulin. Theo thống kê cứ 10 mắc tiểu đường thì có tới 9 người bị tiểu đường type 2.
Bệnh đái tháo đường type 2
Bệnh Đái tháo đường type 2 chiếm đến 90-95% bệnh nhân Đái tháo đường. Ngày nay tỷ lệ bệnh đái tháo đường type 2 ngày càng tăng trên toàn thế giới do chế độ ăn uống và lối sống ít vận động. Vùng Châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, là một trong những nơi trên thế giới có nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường type 2 rất cao.
Cơ chế phát sinh bệnh đái tháo đường type 2
Không như đái tháo đường type 1 là do tuyến tụy không tiết ra insulin cho nhu cầu cơ thể, bệnh Đái tháo đường type 2 có hai cơ chế bệnh sinh liên hệ mật thiết với nhau đó là sự đề kháng insulin và rối loạn trong sự tiết insulin.
Liên quan đến việc duy trì sự cân bằng và ổn định của mức đường huyết (glucose máu), có 3 yếu tố là sự tiết insulin, sự chuyển nạp insulin vào các tế bào của cơ thể để chuyển hóa glucose, và sự ức chế sản xuất insulin từ gan và ruột.
Sự đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2
Sự đề kháng insulin là một trong những nguyên nhân quan trọng gây bệnh đái tháo đường típ 2. Để dễ hiểu về sự đề kháng insulin ở các mô trong cơ thể ta hình dung như sau: Insulin muốn vào trong tế bào để tham gia quá trình chuyển hóa glucose thì phải đi qua màng tế bào. Lượng insulin cần để qua màng tế bào phụ thuộc vào độ nhạy cảm của màng tế bào với insulin. Khi cơ thể có sự đề kháng insulin, độ nhạy của màng với insulin giảm đi, khi đó cần phải có một lượng insulin nhiều hơn bình thường mới đi qua màng tế bào được.
Độ nhạy của màng tế bào
Hãy tưởng tượng màng tế bào của bạn là một nền nhà và lượng insulin là nước mưa ngoài đường. Khi không có đề kháng insulin thì màng tế bào giống như cái nền nhà thấp và chỉ cần một lượng ít nước mưa (insulin) thì nước đã tràn vào nhà. Khi nền nhà được nâng cao lên (có đề kháng insulin) thì phải cần một nước mưa nhiều hơn nước mới tràn vào nhà được.
Nền nhà càng nâng cao (đề kháng insulin càng tăng) thì lượng nước mưa (insulin) cần phải tăng lên để có thể tràn vào nhà.
Tại sao sự đề kháng insulin tăng lên?
Sự đề kháng insulin tăng lên khi cơ thể bị mập phì, nhất là mập phì kiểu nam (mỡ chủ yếu phân bố ở vùng bụng) hoặc do ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Thí dụ: xác suất để anh chị em sinh đôi cùng trứng cùng bị đái tháo đường type 2 lên đến 90-100%; Bệnh nhân bị đái tháo đường thường có người có quan hệ trực hệ cùng bị đái tháo đường type 2; nhiều chủng tộc, sắc dân dễ bị đái tháo đường hơn những chủng tộc khác. Yếu tố môi trường, ăn uống, lối sống kém vận động cũng là những nguyên nhân quan trọng gây tăng sự đề kháng insulin. Vùng sinh sống thành thị, nông thôn cũng tạo ra sự khác nhau về tỉ lệ bệnh.
Sự giảm tiết insulin
Là hậu quả của tình trạng đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường 2. Do lượng insulin cần cho nhu cầu chuyển hóa của cơ thể ngày càng tăng lên, tụy sẽ phải sản xuất insulin nhiều lên tương ứng dẫn đến chức năng bị suy giảm rối sau đó khả năng sản xuất insulin ở tụy sẽ ngày càng giảm dần.
Nguyên nhân bệnh đái tháo đường type 2
Dựa vào cơ chế phát sinh bệnh đái tháo đường type 2 thì nguyên nhân dẫn tới mắc bệnh đái tháo đường type 2 là do sự phối hợp giữa sự tăng đề kháng insulin và giảm tiết insulin.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2
Dưới đây là những đối tượng người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao:
- Tuổi > 45
- Người có BMI = 23, vòng eo > 90 cm (nam), > 80 cm (nữ)
- Người có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em ruột đã mắc bệnh đái tháo đường)
- Người có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, xảy thai, đái tháo đường thai nghén, sinh con to ≥ 4kg)
- Tăng huyết áp vô căn ( ≥ 140/90 mmHg)
- Người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết lúc đói
- Người có bệnh mạch vành hoặc đột quỵ
- Tăng triglyceride (mỡ) máu.
- Chế độ ăn nhiều chất béo.
- Uống nhiều rượu
- Ngồi nhiều
- Béo phì hoặc thừa cân.
Triệu chứng bệnh đái tháo đường type 2
Những triệu chứng rất rõ rệt như ăn nhiều, uống nhiều, gầy nhiều, tiểu nhiều, sút cân bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 thường có những biểu hiện mờ nhạt rất khó xác định.Trong đa số các trường hợp, triệu chứng thường âm ỉ, không rõ ràng. Bệnh có thể xuất hiện từ rất lâu nhưng bệnh nhân lại không thể nhận biết được.
Trường hợp nào phát ra bệnh đái tháo đường type 2
- Xét nghiệm máu trong kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ
- Bệnh nhân nhập viện vì một bệnh lý nào đó được thử đường huyết và tình cờ phát hiện bệnh ĐTĐ típ 2
- Nhiễm trùng da kéo dài, nhiễm trùng lâu ngày dẫn đến đi thử đường huyết thấy tăng cao
- Người nữ bị ngứa vùng âm hộ do nhiễm candida
- Nam đi khám bất lực
Do bệnh đái tháo đường type 2 thường xuất hiện âm ỉ, có những bệnh nhân lúc phát hiện ra thì bệnh đã có những biến chứng của ĐTĐ nên ta phải tầm soát bệnh đái tháo đường type 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét